Danh sách Blog của Tôi

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019

Tản mạn ngày xuân.

Mùa Xuân thật đẹp. Đẹp về thiên nhiên, thời tiết, khí hậu, con người, mơ ước, hy vọng,… Nếu có tầm nhìn hướng thượng thì Mùa xuan còn tốt đẹp hơn bội phần!

Khi có chuyện gì phấn khởi, người ta thường nói “vui như Tết” hoặc “Tết nhất”. Điều đó chứng tỏ là Tết rất vui, luôn được mong chờ, luôn là ngày “nhất” trong năm. Ngày Tết, với trẻ em là niềm khao khát và vui mừng, với người lớn là trách nhiệm và bổn phận – và đôi khi có người không mong Tết, vì Tết đối với họ có thể buồn hơn ngày thường.
Đông lạnh qua, Xuân ấm đến, đó là quy luật tự nhiên của đất trời. Mùa Xuân là mùa của sự sống, cây cối nảy lộc, đơm bông, thể hiện tính trẻ trung và đổi mới. Mùa Xuân còn là dịp đoàn tụ, yêu thương, tha thứ, cùng tận hưởng và chia sẻ niềm hạnh phúc. Gặp nhau, ai cũng tay bắt mặt mừng, có gì sai sót trong năm cũ cũng bỏ qua hết, và trao nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Đó là “tống cựu, nghinh tân”, đặc biệt trong giây phút thiêng liêng nhất: Giao thừa. Ngày xưa, đêm giao thừa còn được gọi là đêm trừ tịch – khoảng thời gian thiêng liêng nhất trong năm, khi các gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới với những điều tốt lành sẽ đến và tiễn trừ năm cũ với những muộn phiền đã qua.
Xuân về, mồng Một tết Cha
Mồng Hai tết Chú, mồng Ba tết Thầy
Mồng Một tết Cha – Người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” được tôn trọng, đó một truyền thống tốt đẹp đầy tính nhân bản. Tổ tiên, ông bà, cha mẹ là những người thân có công lao lớn đối với chúng ta, thế nên chúng ta phải dành “ưu tiên số một”.
Mồng Hai tết Chú – Đó là các thân bằng quyến thuộc, là họ hàng Nội Ngoại, là xóm giềng, là bạn bè, là ân nhân,… Sống trên đời không ai có thể là một ốc đảo, vì cuộc sống là một xã hội, không trực tiếp liên hệ thì cũng gián tiếp liên hệ bằng nhiều cách. Người này có liên đới với người kia, dù có thể chỉ là một ánh mắt hoặc thái độ, thậm chí có thể chỉ qua ý nghĩ. Người này có trách nhiệm và bổn phận với người kia, dù là người dưng nước lã, dù là người chưa biết mặt quen tên. Hãy tết nhau bằng cách luôn triệt để tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền của nhau.
Mồng Ba tết Thầy – Thời phong kiến áp dụng trật tự xã hội: Quân – Sư – Phụ. Ở đây chúng ta không nói chuyện “thứ tự trước sau” mà chú trọng tầm quan trọng của 3 cấp bậc. Trong đó người thầy được đề cao theo tinh thần “tôn sư trọng đạo”, và người Việt cũng khuyên: “Muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy”. Thế nhưng ngày nay người ta không còn coi trọng lòng “tôn sư trọng đạo”, đó là dấu hiệu sa sút đạo đức!
Tết nhau không hẳn là món quà cáp bằng vật chất, có “khả năng” tết nhau một chút lễ vật thì cũng tốt, nhưng đừng câu nệ “quà cáp” mà “biến chất”, quan trọng nhất là cởi mở gặp gỡ nhau với cả tấm lòng, tết nhau bằng những ước muốn tốt đẹp, những lời cầu chúc chân thành, những lời cầu nguyện thành tín.
Bình an là điều luôn cần thiết đối với mọi người trong mọi thời và mọi nơi. Muốn sống bình an thì bạn phải tạo hòa bình xã hội, bạn không thể bình an khi xã hội rối loạn hoặc tinh thần chán nản. Bình an trước tiên là sức khỏe – tinh thần và thể lý. Đúng như tục ngữ nói:“Sức khỏe là vàng”. Đó là hệ lụy tất yếu vậy!
Mồng Hai thành tâm khấn nguyện
Xin cho mùa màng bội thu
Công ăn việc làm thuận hòa
An tâm không phải thao thức
Sống không thể chỉ hít thở khí trời và uống nước lã, vì thế con người cần mưu sinh. Muốn mưu sinh thì phải có nghề nghiệp, có công ăn việc làm.
Cầu nguyện cho người còn sống được an khang hạnh phúc là chuyện dĩ nhiên, chúng ta còn có bổn phận cầu nguyện cho những người đã “ra đi” trước chúng ta. Xuân về Tết đến, mọi người sum họp hữu hình, còn tổ tiên không thể sum họp hữu hình với đàn con, lũ cháu, nhưng họ vẫn khả dĩ sum họp vô hình với chúng ta
Trong khi có những người “vung tay quá trán” như vậy thì vẫn có những con người chưa hưởng trọn vẹn mấy ngày Tết hoặc không hề có mùa Xuân. Một cậu bé 10 tuổi ở Đồng Tháp, ở với bà ngoại ngoài 80 tuổi, em chỉ mong Tết đến để được ăn món “khổ qua xào với trứng”. Được hỏi sao em ước mơ như vậy, em cười hồn nhiên và cho biết: “Vì chỉ có ngày Tết ngoại mới để dành đủ tiền để làm món đó”. Câu nói của em thật hồn nhiên nhưng sao nghe lòng nhói đau quá! Một ước mơ quá bình dị như vậy mà sao khó với em bé này đến vậy? Quả thật, cuộc đời còn biết bao con người khốn khổ, họ không mong Tết, mà có mơ cũng không thấy!
Mùa Xuân là mùa của ngàn hoa tươi sắc, lòng người cảm thấy rạo rực khó tả, có những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười và cười “hết cỡ thợ mộc”, nhưng cũng có những khuôn mặt còn ủ rũ, đôi môi khô héo, lòng luôn trĩu nặng…
Cầu mong cho xã hội luôn biết tôn trọng công lý để xã hội có nền hòa bình đích thực. Cầu mong cho mọi người biết yêu thương nhau bằng tình đồng loại trọn vẹn để ai cũng được tôn trọng nhân quyền đúng nghĩa và có thể tận hưởng mùa Xuân viên mãn nhất.

                               TRẦM THIÊN THU




4 nhận xét:

  1. Sắp xuân rồi!
    DVD chúc LM Noel 2019 ấm áp và an lành!
    :)

    Trả lờiXóa
  2. Chúc mừng năm mới!
    :D

    https://gpcantho.com/wp-content/uploads/2019/01/doi-tet.png

    Trả lờiXóa

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:

Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]